Khá nhiều cặp vợ chồng trẻ mới cưới chưa sinh con lo lắng mình có thể bị vô sinh hiếm muộn. Liệu có phải cứ chưa có con là vô sinh hiếm muộn hay không? Bệnh vô sinh hiếm muộn liệu có thể chữa khỏi được không? Vợ chồng bạn liệu có thuộc nhóm nguy cơ không?
Có thể bạn quan tâm:
Cùng với sự phát triển của y học hiện đại, nhiều phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả đã ra đời giúp khắc phục các nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn. Mang tới cơ hội làm cha mẹ cho nhiều cặp vợ chồng thiếu may mắn.
Như thế nào là mắc bệnh vô sinh hiếm muộn?
Vô sinh hiếm muộn là một thuật ngữ mô tả tình trạng chưa thụ thai ở các cặp vợ chồng quan hệ thường xuyên (mà không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào) sau 12 tháng (với những cặp vợ chồng mà người vợ dưới 35 tuổi) hoặc 6 tháng (người vợ trên 35 tuổi).
Thuật ngữ vô sinh còn được sử dụng để chỉ tình trạng người phụ nữ có thể thụ thai nhưng không có khả năng mang thai tới khi sinh.
Thông thường, khả năng có thai của một cặp vợ chồng khỏe mạnh, tuổi dưới 30, quan hệ vợ chồng đều đặ 2 – 3 lần/tuần, không sử dụng biện pháp tránh thai là 20 – 25% tháng. Do đó đa số các cặp vợ chồng tuổi dưới 30 thường có thai trong một năm đầu.
Vô sinh hiếm muộn được phân loại như thế nào?
Vô sinh hiếm muộn được chia làm hai loại là nguyên phát và thứ phát.
- Vô sinh nguyên phát: Thuật ngữ này dành cho một cặp vợ chồng chưa từng có thai lần nào.
- Vô sinh thứ phát: Là thuật ngữ chỉ những cặp vợ chồng đã có thai ít nhất một lần, muốn tiếp tục sinh con nhưng không thể có thai tự nhiên.
Nguyên nhân nào gây ra vô sinh hiếm muộn?
Nguyên nhân gây ra căn bệnh này có thể do người chồng hoặc người vợ hoặc cả hai. Bệnh cũng có thể xuất hiện do sự kết hợp của nhiều yếu tố ngăn chặn việc mang thai. Theo số liệu thống kê tần suất vô sinh hiếm muộn do nguyên nhân từ người chồng hay người vợ là tương đương nhau.
Những yếu tố có thể gây bệnh ở người chồng
- Bất thường trong chức năng sản xuất tinh trùng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Tinh hoàn co rút, khuyết tật di truyền, bệnh lý tiểu đường, quai bị. Hoặc có thể do nam giới từng bị chấn thương phải phẫu thuật tinh hoàn hoặc vùng bẹn.
- Các vấn đề xảy ra trong quá trình xuất tinh. Ví dụ như: Xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng. Hay một số bệnh di truyền như bệnh xơ nang, cấu trúc bộ phận sinh dục bất thường như mào tinh hoàn …
- Các vấn đề về chất lượng, số lượng tinh trùng như tinh trùng vón cục, tinh trùng yếu, tinh trùng dị dạng … Theo ghi nhận thống kê, khoảng 13% – 50% trường hợp vô sinh hiếm muộn là do các yếu tố bất thường của tinh trùng.
- Thường xuyên tiếp xúc với một số hóa chất và chất độc như thuốc trừ sâu, bức xạ, khói thuốc lá, cần sa, rượu …
- Nam giới bị tổn thương do ung thư và quá trình điều trị có nguy cơ vô sinh hiếm muộn cao hơn.
Nguyên nhân gây bệnh ở người vợ:
- Các vấn đề về chu kỳ kinh nguyệt và các vấn đề liên quan tới rụng trứng.
- Các vấn đề với buồng trứng: Buồng trứng đa nang, tắc ống dẫn trứng, vòi dẫn trứng, suy buồng trứng sớm …
- Các tổn thương tử cung hay cổ tử cung bất thường: u xơ cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung …
- Phụ nữ bị dính vùng chậu, bị nhiễm trùng vùng chậu hay các vấn đề về tuyến giáp có tỷ lệ mắc bệnh vô sinh hiếm muộn cao.
- Phụ nữ bị ung thư và các hệ lụy từ quá trình điều trị ung thư
Đối tượng nào dễ bị hiếm muộn con?
Dấu hiệu chính của vô sinh hiếm muộn là không thể thụ thai dù quan hệ vợ chồng thường xuyên mà không áp dụng các biện pháp tránh thai trong vòng 1 năm.
- Phụ nữ không có kinh nguyệt hoặc chu kỳ kinh nguyệt không đều thường có nguy cơ bị vô sinh hiếm muộn cao. Trong khi đó nam giới gặp phải các vấn đề nội tiết tố như thay đổi tốc độ tăng trưởng tóc, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục hoặc gặp các vấn đề liên quan tới xuất tinh dễ bị vô sinh. Những nam giới dễ bị vô sinh hiếm muộn cũng có thể có tinh hoàn nhỏ hoặc bị sưng ở bìu.
- Vô sinh hiếm muộn thường xảy ra ở những người nghiện hút thuốc và uống rượu. Thêm vào đó khả năng thụ thai ở phụ nữ trên 30 tuổi và nam giới trên 40 tuổi sẽ thấp hơn nhiều so với nam nữ thanh niên dưới 30.
Các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh vô sinh hiếm muộn
Như đã nêu trên, tỷ lệ nam giới và nữ giới mắc bệnh là tương đương nhau. Nếu biết cách loại bỏ các nguy cơ, đồng thời thăm khám và điều trị kịp thời, vô sinh hiếm muộn không còn quá nguy hiểm.
- Tuổi tác: Khả năng sinh sản của phụ nữ và nam giới giảm dần khi tuổi tác tăng lên. Ở phụ nữ, sự suy giảm này trở nên rõ rệt hơn khi họ bước qua tuổi 30. Với nam giới, độ tuổi này thường là sau 40 tuổi.
- Hút thuốc lá: Nếu một trong hai vợ chồng hút thuốc lá thì cơ hội thụ thai của cặp vợ chồng này sẽ giảm đi. Hút thuốc có thể tăng nguy cơ rối loạn chức năng cương dương, giảm số lượng tinh trùng ở nam giới. Phụ nữ hút thuốc lá thường xuyên có nguy cơ sẩy thai cao hơn phụ.
- Uống rượu: Là nguyên nhân làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Khiến phụ nữ khó khăn hơn trong việc mang thai. Với nam giới, việc sử dụng rượu nặng và thường xuyên có thể làm giảm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng.
- Thừa cân béo phì có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở cả nam và nữ. Ở nam giới, số lượng tinh trùng và nồng độ hóc môn nam – Testosterone có thể bị suy giảm nếu bị béo phì.
- Thiếu cân ở phụ nữ bị rối loạn ăn uống như chán ăn, ăn theo một chế độ ăn uống hạn chế hoặc ít calo; Tập thể dục quá mức cũng có thể ảnh hưởng đến các vấn đề về rụng trứng.
Khi nào vợ chồng bạn cần gặp bác sĩ để điều trị vô sinh hiếm muộn?
Nếu hai vợ chồng bạn đã cố gắng để thụ thai ít nhất một năm nhưng không thành công thì hai vợ chồng nên đến gặp hoặc liên hệ tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa vô sinh hiếm muộn. Hoặc nếu hai vợ chồng bạn đang thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
Phụ nữ:
- Từ 35 đến 40 tuổi đã cố gắng để thụ thai trong vòng sáu tháng hoặc lâu hơn;
- Trên 40 tuổi;
- Không có hoặc kinh nguyệt không đều;
- Đã từng gặp các vấn đề về sinh nở như bị sẩy thai …
- Đã từng bị lạc nội mạc tử cung hoặc bệnh viêm vùng chậu;
- Đã từng điều trị ung thư.
Nam giới:
- Đã từng phẫu thuật bìu, vùng bẹn;
- Sưng bìu;
- Tinh trùng ít, loãng, vón cục … hoặc bất cứ vấn đề khác về tinh trùng;
- Đã từng thắt ống dẫn tinh;
- Tinh hoàn nhỏ hoặc gặp các vấn đề với chức năng tình dục;
- Đã từng điều trị ung thư;
Làm thế nào để biết mình có bị vô sinh hiếm muộn hay không?
Bạn có thể thấy mình nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ hoặc có một vài biểu hiện “giống như” có bệnh vô sinh hiếm muộn. Hãy đến các cơ sơ y tế chuyên môn để được chẩn đoán vô sinh hiếm muộn kịp thời, chính xác và khắc phục ngay khi chưa quá muộn.
Các phương pháp chẩn đoán với phụ nữ
Thông thường bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và tiến hành các xét nghiệm để tìm ra vấn đề trong quá trình rụng trứng.
- Xét nghiệm hóc môn
- Chụp tử cung, siêu âm vùng chậu
- Kiểm tra sự rụng trứng và khả năng dự trữ của buồng trứng;
Các phương pháp chẩn đoán cho nam giới
Giống như với phụ nữ, các bác sĩ cũng sẽ thăm khám, thực hiện các chẩn đoán để tìm ra vấn đề trong quá trình sản xuất tình trùng và xuất tinh.
- Xét nghiệm hóc môn và xét nghiệm di truyền
- Làm tinh dịch đồ để phân tích tinh dịch
- Siêu âm vùng bìu
- Thực hiện sinh thiết tinh hoàn.
Xem ngay:
- Bác sĩ chữa vô sinh hiếm muộn nam giỏi nhất Hà Nội 2020?
- Bác sĩ chữa vô sinh hiếm muộn nam nổi tiếng mát tay ở TPHCM?
Các phương pháp được dùng để điều trị vô sinh hiếm muộn
Vô sinh hiếm muộn làm ảnh hưởng tới nhiều cặp đôi đang mong muốn có tiếng cười trẻ thơ trong gia đình. Thật may là cùng với sự phát triển của y học và các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, căn bệnh này có thể được khắc phục và điều trị hiệu quả.
Các phương pháp điều trị vô sinh dành cho nữ giới
- Điều trị bằng thuốc: Dành cho phụ nữ bị vô sinh do rối loạn rụng trứng.
- Phẫu thuật: Dành cho các vấn đề gặp phải ở tử cung như polyp nội mạc tử cung, vách ngăn, mô sẹo tử cung…
Các phương pháp điều trị vô sinh với nam giới
- Dùng thuốc điều trị một số vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản nam giới như mất rối loạn nội tiết tố, rối loạn chức năng cương dương;
- Phẫu thuật: Giúp điều trị tắc nghẽn trong ống dẫn tinh hoặc giãn tĩnh mạch ở tinh hoàn.
Các phương pháp hỗ trợ sinh sản (ART) cho cả nam và nữ
- Phương pháp thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng trực tiếp vào tử cung (IUI)
- Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm:Thụ tinh ống nghiệm cổ điển (IVF – In vitro fertilization);Thụ tinh ống nghiệm bằng cách tiêm thẳng tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI – Intra cytoplasmic sperm injection). Kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted hatching – AH).
- Bảo quản lạnh tinh trùng, noãn, phôi … Dùng tinh trùng hoặc trứng được hiến tặng.
Tham khảo:
- Top +7 bệnh viện làm IUI tỷ lệ thành công cao nhất Hà Nội?
- Làm IVF tại bệnh viện nào tại Hà Nội là tốt nhất?
Nên và không nên làm gì để quá trình điều trị đạt kết quả?
Tình trạng bệnh hiếm muộn của vợ chồng bạn có thể kiểm soát nếu bạn lưu ý và điều chỉnh các thói quen sinh hoạt hàng ngày.
- Khám lại đúng lịch hẹn để được theo dõi và xử lý kịp thời các diễn biến cũng như các triệu chứng của bệnh
- Tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý ngừng uống thuốc hoặc bỏ thuốc trong đơn thuốc đã được kê
- Tham vấn ý kiến chuyên môn của các bác sĩ nếu bạn có bất kỳ lo lắng nào về việc mang thai;
- Duy trì cân nặng ổn định và sức khỏe với chế độ ăn uống và tập luyện điều độ.
- Không hút thuốc lá, uống rượu, bia khi bạn đang cố gắng thụ thai.
Đừng để quá trình có thai trở thành áp lực cho cả hai vợ chồng. Hãy cùng cố gắng và tận hưởng hành trình này, con yêu sẽ đến với bạn!
Benhnany.com không đưa ra các chẩn đoán về tình trạng của bạn. Hãy tới các cơ sở chuyên môn và tham vấn bác sĩ để có các nhận định chính xác nhất và được điều trị kịp thời, hiệu quả.
(Bài viết tham khảo thông tin vinmec, viện 108, mayoclinic)