Mờ mắt do biến chứng tiểu đường có thể gặp phải ở ⅓ số người bệnh ngoài 40 tuổi do bệnh lý võng mạc tiểu đường. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá lo lắng vì biến chứng này hoàn toàn có thể có biện pháp phòng tránh nếu kiểm soát tốt lượng đường huyết. Ngoài ra các chuyên gia còn cho biết 95% trường hợp người bệnh giảm thị lực có thể hồi phục nếu phát hiện và điều trị sớm.
Tóm tắt nội dung
- 1 Nguyên nhân tiểu đường làm mờ mắt?
- 2 Cơ chế gây tổn thương mắt ở người tiểu đường
- 3 Các bệnh lý về mắt thường gặp ở người tiểu đường
- 4 Bệnh võng mạc tiểu đường
- 5 Phù hoàng điểm
- 6 Bệnh tăng nhãn áp
- 7 Đục thủy tinh thể
- 8 3. Khi nào nên đến gặp bác sĩ nếu biến chứng tiểu đường làm mờ mắt?
- 9 Cách phòng tránh biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường
Nguyên nhân tiểu đường làm mờ mắt?
Cơ chế gây tổn thương mắt ở người tiểu đường
- Đôi khi người bệnh tiểu đường có thể bị mờ mắt trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần khi họ thay đổi chế độ sinh hoạt hoặc thuốc điều trị. Glucose cao có thể làm thay đổi mức chất lỏng hoặc gây sưng tấy trong các mô của mắt giúp người bệnh tập trung, gây ra hiện tượng mờ mắt. Loại mờ mắt này là tạm thời và sẽ biến mất khi lượng đường trong máu của bạn trở về mức bình thường.
- Nếu lượng đường huyết của bạn luôn ở mức cao theo thời gian, nó sẽ có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ ở phía sau mắt. Tổn thương này rất có thể bắt đầu phát triển ngay trong giai đoạn tiền tiểu đường. Các mạch máu bị tổn thương sẽ có thể bị rò rỉ chất lỏng và gây sưng tấy. Các mạch máu mới, cũng bắt đầu phát triển. Những mạch máu này tăng sinh, dẫn đến bị sẹo hoặc gây ra áp suất cao gây nguy hiểm bên trong mắt của bạn.
- Hầu hết các bệnh mắt nghiêm trọng do bệnh tiểu đường bắt đầu với các vấn đề về mạch máu. Bốn bệnh về mắt có thể đe dọa thị giác gồm: bệnh võng mạc tiểu đường, đục thuỷ tinh thể, phù hoàng điểm và tăng nhãn áp.

Các bệnh lý về mắt thường gặp ở người tiểu đường
Bệnh võng mạc tiểu đường
Võng mạc là lớp màng bao phủ phía sau của mắt, nó rất nhạy cảm với ánh sáng.
Bệnh võng mạc do tiểu đường làm hỏng các mạch máu trong võng mạc, khiến cho chúng bị rò rỉ chất lỏng và gây giảm/mất thị lực. Có hai loại bệnh võng mạc do tiểu đường gồm:
- Bệnh võng mạc tiểu đường không tăng sinh:
- Đây là dạng nhẹ của bệnh võng mạc tiểu đường và nó thường không có triệu chứng.
- Các mao mạch bị phồng lên làm tắc nghẽn mạch máu nuôi võng mạc. Dịch lỏng thẩm thấu qua thành mạch làm sưng điểm vàng và gây phù hoàng điểm.
- Ở giai đoạn này mắt sẽ bị mờ và có khả năng mất thị lực. Bệnh nhân đái tháo đường nếu phát hiện bệnh và được điều trị sớm khả năng phục hồi thị lực rất cao.

- Bệnh võng mạc tăng sinh:
- Hệ thống mạch máu nuôi dưỡng võng mạc cũng bị tắc nghẽn. Cơ thể đáp ứng lại bằng cách tăng sinh hình thành các mạch máu mới. Tuy nhiên, những mạch máu này rất dễ vỡ và gây xuất huyết và bong võng mạc dẫn đến mất thị lực.
Bệnh võng mạc tiểu đường thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Mờ mắt
- Suy giảm khả năng nhìn màu
- Có các đốm trong suốt, không màu và các chuỗi sẫm màu trôi nổi trong tầm nhìn của người bệnh
- Các mảng hoặc vệt cản trở tầm nhìn của người tiểu đường
- Tầm nhìn ban đêm kém
- Mất thị lực đột ngột và toàn bộ
Bệnh võng mạc tăng sinh ở người tiểu đường có thể điều trị bằng laser khi bệnh chưa xảy ra xuất huyết. Với trường hợp bong võng mạc phức tạp, thì có thể phẫu thuật loại bỏ thủy dịch.
Ngoài phương pháp phẫu thuật, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy có nhiều loại thuốc chống yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu rất có hiệu quả trong việc làm chậm sự phát triển của bệnh võng mạc do tiểu đường.
Phù hoàng điểm
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến sưng điểm vàng, hay được gọi là phù hoàng điểm do tiểu đường. Theo thời gian, bệnh này rất có thể phá hủy tầm nhìn sắc nét của mắt, dẫn đến người bệnh bị mất thị lực một phần hoặc mù lòa. Phù hoàng điểm thường phát triển ở những người đã có dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường.
Bệnh tăng nhãn áp
Người tiểu đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp cao hơn 40 % so với những người bình thường. Nguyên nhân là do thủy dịch trong mắt lưu thông kém dẫn đến làm tăng áp lực lên mắt. Áp lực cao khiến cho các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc bị tắc nghẽn. Đồng thời các dây thần kinh thị giác – bó dây thần kinh kết nối mắt với não cũng bị tổn thương. Tăng nhãn áp có thể dẫn đến giảm thị lực và gây mù lòa nếu không được điều trị sớm.
Các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp bao gồm: chảy nước mắt, nhức đầu, mờ mắt, đau mắt, nhìn thấy quầng sáng trước mắt… Tăng nhãn áp ở người bệnh đái tháo đường có thể điều trị bằng việc uống thuốc làm giảm áp lực trong mắt hoặc làm phẫu thuật, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
Đục thủy tinh thể
60% người tiểu đường có khả năng bị bệnh đục thủy tinh thể. Các thấu kính trong mắt của chúng ta là những cấu trúc rõ ràng mang lại tầm nhìn sắc nét – nhưng chúng có xu hướng bị đục khi con người già đi. Những người mắc bệnh tiểu đường sẽ có thể bị đục thủy tinh thể ở độ tuổi sớm hơn những người không mắc bệnh. Nguyên nhân là do lượng glucose cao sẽ gây ra chất cặn tích tụ trong thủy tinh thể của mắt.
Nếu đục thủy tinh thể ở mức độ nhẹ, người bệnh nên đeo kính râm khi ra ngoài trời. Loại mắt kính đeo nên có lớp chống chói để bảo vệ mắt. Nếu mắt nhìn ngày càng kém, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh phẫu thuật thay thủy tinh thể.
3. Khi nào nên đến gặp bác sĩ nếu biến chứng tiểu đường làm mờ mắt?
Đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn nhận thấy thị lực của mình thay đổi một cách đột ngột, bao gồm:
- Thường xuyên xuất hiện những đốm đen khi nhìn và có tình trạng các tia sáng lóe lên trong tầm nhìn
- Mờ mắt đột ngột hoặc bị mờ mắt kéo dài
- Tầm nhìn của bạn có cảm giác như có rèm bị kéo qua mắt.
Những thay đổi này trong thị giác có thể là triệu chứng của biến chứng võng mạc bị tách rời. Đây là một trong những trường hợp khẩn cấp về y tế.
Cách phòng tránh biến chứng mắt ở bệnh nhân tiểu đường
Để phòng tránh biến chứng tiểu đường làm mờ mắt, người bệnh cần kiểm soát tốt:
- Đường huyết và chỉ số HbA1c: trong đó mức đường huyết mục tiêu khi đói sẽ là 4,4 – 7,2 mmol/L. HbA1c mục tiêu ≤ 7%
- Kiểm soát huyết áp < 140/90 mmHg
- Kiểm soát cholesterol máu: LDL cholesterol <100 mg/dL (2,6 mmol/L) đối với người bệnh chưa có biến chứng tim mạch.
- Bỏ hút thuốc lá
- Kiểm tra mắt định kỳ:
- Tiểu đường tuýp 1: Khám mắt hàng năm, bạn nên bắt đầu trong vòng 5 năm kể từ khi được chẩn đoán.
- Tiểu đường tuýp 2: Khám mắt hàng năm, bạn nên bắt đầu ngay sau khi chẩn đoán.
- Mang thai: Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 cần khám mắt trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng đầu.
- Những phụ nữ phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ thường không cần khám mắt vì họ không phát triển bệnh mắt do đái tháo đường khi mang thai.
Hãy nhớ rằng “Tiểu đường có làm mờ mắt hay không” là hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát bệnh của bạn. Phát hiện và điều trị sớm bệnh võng mạc tiểu đường còn có thể làm giảm 95% nguy cơ bị mù lòa. Vì thế hãy hành động và bảo vệ ngay từ hôm nay để bảo vệ đôi mắt của mình.